tin tức - sự kiện
Cách nhận ra bể bơi có độc tố và những điều quan trọng cần biết
Cập nhật : 30/07/2014 Lượt xem : 1085 Cỡ chữ
Cùng tìm hiểu thành phần hóa học có trong nước ở bể bơi và cách nhận biết nước bể bơi an toàn.
 
Vào những ngày nóng nực, nhiều người thường có thói quen đi đến bể bơi như là cách để giải nhiệt mùa hè. Tuy nhiên, như đã đưa tin, một đoạn clip mô tả quá trình làm sạch nước bể bơi nhanh tới chóng mặt tại một bể bơi ở quận Cầu Giấy đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. 
 
Hãy cùng tìm hiểu thành phần hóa học trong nước bể bơi để tìm ra bí kíp hiệu quả nhận biết nước bể bơi có độc hay không độc qua bài viết dưới đây.
 
Nước bể bơi và thành phần hóa học…
 
Có một sự thật mà không mấy ai để ý, đó là bể bơi (nhất là bể ngoài trời) được coi là một trong những địa điểm dễ bị ô nhiễm nhất. Những bể dạng này thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, dễ bị nhiễm khuẩn bởi bụi bẩn, các loại vi trùng, tảo bao bào tử trong nước mưa, phân chim… 
 
Ngoài ra, nguồn thải ô nhiễm ra bể bơi còn bao gồm các vi sinh vật, lượng dầu bài tiết trên cơ thể người đi bơi như mồ hôi, mỹ phẩm, kem chống nắng, nước tiểu, nước bọt…


Do đó, bể bơi bắt buộc phải được xử lý hóa học trước khi đem vào sử dụng. Thành phần không thể thiếu trong nước bể bơi thường bao gồm clo. Đây là hóa chất dùng để khử trùng, tiêu diệt các thành phần gây ô nhiễm nước bể. 
 
Clo được sử dụng dưới hai dạng chủ yếu là calcium hypochlorite (rắn) và sodium hypochlorite (lỏng). Hai hợp chất này tác dụng với nước tạo thành axit hypochlorous. Axit này giết chết vi khuẩn và các mầm bệnh bằng cách phá vỡ màng lipid, tiêu diệt enzyme và ấu trùng bên trong tế bào vi khuẩn thông qua phản ứng oxy hóa.
Tuy nhiên, axit hypochlorous rất dễ bị phân hủy khi tiếp xúc với tia cực tím từ ánh sáng Mặt trời. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả trong việc xử lý nước bể, người ta thường cho thêm axit cyanuric, phản ứng với clo tự do trong axit hypochlorous tạo nên hợp chất ổn định hơn. 


Cuối cùng, để duy trì sự cân bằng độ pH của nước bể, người ta sử dụng các hóa chất có tính kiềm như sodium carbonate hoặc sodium bicarbonate. Một bể bơi có nước đạt tiêu chuẩn phải có độ pH trung bình khoảng 7,2 - 7,8 theo Langelier Saturation Index.
 
Ngoài ra, một số bể bơi được cho thêm hóa chất làm xanh, tạo hiệu ứng cho nước bể bơi giống nước biển nhưng không gây hại cho người sử dụng.
 
Quá trình xử lý nước bể bơi
 
Để có được những giờ phút thoải mái trong bể bơi, công việc dọn vệ sinh và xử lý nước bể bơi luôn là ưu tiên hàng đầu. Tùy thuộc vào tần suất sử dụng, diện tích bể và điều kiện thời tiết, môi trường, mỗi bể bơi lại có những cách thức làm sạch nước bể khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại quá trình xử lý trên phải đạt được những điều sau:


Thứ nhất, cần thường xuyên kiểm tra độ pH của nước bể bơi. Nước có độ pH quá thấp hay quá cao đều có tác hại rất xấu tới sức khỏe của người sử dụng. Có một điều ít ai biết, mùi khó chịu thường gặp khi đi bơi không phải là do bể được cho quá nhiều clo mà nguyên nhân là quá nhiều chloramine (hóa chất được tạo nên bởi axit hypochlorous với amoniac trong nước tiểu) gây ra. Để xử lý tình trạng này, thậm chí cần phải cho thêm nhiều clo vào trong bể mới giải quyết được. 


Thứ hai, vệ sinh nước bể bơi cần chú ý tới cả vệ sinh bể. Điều đó đồng nghĩa với việc phải thường xuyên xả hết nước bể bơi, tẩy trùng thành bể bằng hóa chất. Công việc này giúp loại bỏ khả năng xuất hiện rêu, tảo gây bệnh trong nước hồ bơi khi sử dụng


Thứ ba, chúng ta cần làm vệ sinh bộ lọc nước bể bơi. Nước bể trước khi được đưa vào sử dụng cần đi qua một bộ lọc cát hoặc đất mùn nhằm loại bỏ bước đầu các thành tố gây ô nhiễm. Tuy nhiên, chính bộ lọc này cũng nên thường xuyên được vệ sinh, chăm chút nhằm tránh khỏi tình trạng vô tình gây ô nhiễm cho nước bể.
 
Tác động tới sức khỏe con người và bí kíp đi bơi an toàn
 
Nước bể bơi không đạt tiêu chuẩn được xem là hung thần cho sức khỏe con người. Những bể bơi không được tẩy trùng kĩ sẽ là môi trường sống cho rất nhiều các loại khuẩn như Cryptosporidium - nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy ở người hay khuẩn Chlamydia Trachomatis - hung thủ của viêm kết mạc ở mắt. 
 
Ngược lại, những bể bơi có chứa quá nhiều chất tẩy trùng lại gây kích ứng da, mắt vì nồng độ clo quá lớn, độ pH thấp.


Đặc biệt, clo được sử dụng với lượng lớn có thể gây rất nhiều nguy hiểm cho người bơi. Các nhà khoa học Mỹ đã thực hiện thí nghiệm thu thập nước ở các bể bơi công cộng và nước máy để xét xem mức độ genotoxicity (quá trình gây biến đổi ADN). 
 
Kết quả thu được chứng minh rằng, mẫu nước chứa quá nhiều clo ở bể bơi gây ảnh hưởng lên ADN vượt trội hoàn toàn so với nước máy. Ngoài ra, trong các bể bơi trong nhà, clo thừa trong nước không thể thoát ra, dễ gây kích ứng hệ hô hấp của người bơi nếu hít phải quá nhiều.

Để đi bơi an toàn, các bạn cần chú ý quan sát bể bơi mình sắp tới. Nếu bể đó có số lượng người vừa phải, nước trong khi nhìn bằng mắt thường và không có mùi, đó là bể bơi có thể sử dụng. Ngược lại, nếu bể bơi nước vẩn đục hoặc có mùi clo gây sốc đặc trưng, số người bơi nhiều thì cần cân nhắc về việc có nên tiếp tục bơi hay không.
 
Ngoài ra, dù ở bể bơi nào các bạn cũng nên tắm vòi sen trước khi xuống bể nhằm hạn chế mồ hôi, mỹ phẩm… trên cơ thể - những chất tiềm năng gây ô nhiễm bể bơi. Đồng thời, bạn cần sử dụng kính bơi chặt, tránh nước bể xâm nhập vào mắt, cũng như vệ sinh cơ thể bằng thuốc nhỏ mắt, bông tai sau khi đi bơi để tránh lây nhiễm các bệnh tiêu chảy, viêm kết mạc…


 
Một lưu ý nhỏ nữa là bạn không nên đi tiểu dưới bể bơi. Nghiên cứu mới đây đã chỉ ra, hợp chất có trong nước tiểu kết hợp với Clo có thể gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe như tổn thương tế bào di truyền, gây bệnh suyễn, ung thư...
 
Để đi bơi an toàn, các bạn có thể tự nhận biết và đánh giá tình trạng nước của bể bơi qua một số cách như sau:
 
- Ngửi mùi: nếu bể bơi có mùi clo gây sốc đặc trưng, khiến bạn cảm thấy khó chịu khi ngửi thấy thì có nghĩa là nước trong bể đã không được xử lý tốt.
 
- Màu nước: màu nước trong tự nhiên, nhìn thấy rõ đáy bể, có màu xanh vừa phải, không có vẩn đục hay vật thể lạ. Nếu bể có màu xanh bất thường (khác với màu trời) thì cần chú ý.
 
- Quan sát số lượng người đến bơi: con người cũng là 1 trong những tác nhân khiến bể bơi nhiễm "độc". Nếu số lượng này quá đông, máy lọc nước tại bể sẽ không thể lọc kịp để loại bỏ các độc tố.
 

Danh sách bình luận (0):
 
Hủy Gửi
Gửi bình luận:
Quý khách vui lòng gửi câu hỏi bằng cách điền thông tin theo mẫu bên dưới:
 
Hủy Gửi
    Lên đầu trang

Các tin tức khác:

Đoan Trang dành nhiều thời gian mỗi ngày để vận động và có một sức khỏe tốt chuẩn bị cho ngày sinh nở. (701 lượt xem)Hiện các cậu nhóc nhà Bằng Kiều đang được nghỉ xuân, và được mẹ đưa đi chơi nhân dịp kỳ nghỉ ngắn này. (583 lượt xem)Bể bơi kiêu căng đuổi khách ngày nắng nóng (839 lượt xem)Chiêm ngưỡng những bể bơi sang trọng và hấp dẫn nhất thế giới (795 lượt xem)Michael Phelps thảm bại ở giải vô địch Mỹ (514 lượt xem)Việt Nam chuẩn bị tham dự Olympic trẻ 2014: Ánh Viên là hy vọng lớn nhất (520 lượt xem)Thêm nhiều hy vọng cho "kình ngư" Ánh Viên (598 lượt xem)LỢI ÍCH CỦA VIỆC BƠI LỘI (605 lượt xem)Bài tập giúp trẻ tăng chiều cao (666 lượt xem)Phát hiện ra tác hại không ngờ của việc đi tiểu trong hồ bơi (514 lượt xem)Điều lệ Giải Bơi vô địch trẻ quốc gia năm 2014 (486 lượt xem)Bơi lội Việt Nam có HC châu Á đầu tiên (535 lượt xem)Bơi lội Việt Nam có HC châu Á đầu tiên (0 lượt xem)Cứu sống một kình ngư bị ngất khi thi đấu (466 lượt xem)Chiêm ngưỡng những hồ bơi 'vô cực' đẹp nhất thế giới (1011 lượt xem)Ánh Viên bỏ 200m ngửa, dốc sức cho HC vàng 800m tự do (480 lượt xem)Bí mật phía sau kình ngư vô địch Olympic trẻ (502 lượt xem)Thành quả đào tạo vận động viên trẻ (451 lượt xem)Kình ngư Ryan Lochte khoe bữa ăn khủng 10.000 calorie (520 lượt xem)Chuyên gia thể thao sợ Ánh Viên bị chín ép (460 lượt xem)
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline: 0932 744 888
[email protected]

Hỗ trợ kinh doanh 1:

Hỗ trợ kinh doanh 2: