Đua nhau đuổi khách
Mặc dù mới đầu hè nhưng Hà Nội đã nắng nóng đỉnh điểm, có ngày nhiệt độ vượt 38 độ C. Để chống nắng, người dân, nhất là trẻ em, đổ dồn về bể bơi, hồ tắm. Theo các nhân viên trung tâm bơi lội, lượng khách đến bể bơi những ngày nắng nóng tăng gấp đôi - ba so với ngày thường.
Chính vì thế, không ít nhân viên bể bơi “chảnh”, thậm chí còn... đuổi khách. Anh Đức (trú tại quận Hoàng Mai) bức xúc kể: “Bể bơi đông, mình bước chân tới bể bơi thấy trăm người chen chúc trong cái bể bé tí, vừa phản ánh với nhân viên quản lý đã nhận được câu trả lời chỗ nào cũng vậy, không bơi thì thôi”. Anh Đức trả vé, yêu cầu hoàn lại tiền thì bị nhân viên bán vé từ chối. Lý do: vé đã mua rồi không trả lại được. Bực mình, anh Đức chấp nhận mất 100.000 đồng cho hai vé rồi bỏ về.
Còn anh Hải (nhân viên văn phòng ở quận Đống Đa) cũng mất hứng khi tới bể bơi khách sạn Kim Liên. Vừa ngâm mình xuống nước, anh Hải đã bị nhân viên ở đó gọi lên, yêu cầu thuê quần bơi. Anh Hải phàn nàn: “Quần mình mặc cũng là quần bơi nhưng nhân viên bể bơi cho rằng đó là quần đùi và không chấp nhận. Thật ra, họ có dịch vụ cho thuê quần áo bơi nên mới ép khách mặc đồ rộng thuê đồ của họ”. Ức chế với kiểu quy định ép khách, giá thuê quần bơi lại đắt ngang vé bơi, anh Hải và hai đứa con bỏ về dù mới chỉ kịp ngâm mình xuống nước.
Rất đông người xếp hàng mua vé vào bể bơi số 3 Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội (ảnh Infonet)
Trên địa bàn Hà Nội có khoảng 50 bể bơi trong nhà và ngoài trời, song, hầu như bể nào cũng quá tải. Trung bình mỗi ngày, một bể bơi ở Hà Nội có khoảng 200-300 khách, thường tập trung vào thời gian cao điểm nên khó tránh quá tải. Lượng khách đông nhất vào dịp cuối tuần, gấp 4-5 lần so với ngày thường.
Vào đợt nắng nóng, mới 5 giờ chiều nhưng bể bơi trong khách sạn Kim Liên đã gần như kín người. Bể bơi rộng chưa đầy 100m2 có tới hàng trăm người, trong số đó phần lớn là trẻ em và người già.
Tương tự như vậy, tại một bể bơi trên đường Trường Chinh dù mới mở cửa được khoảng hơn một tiếng, nhưng tại các đường bơi luôn chật cứng người. Trung tâm bơi lội Thái Hà có hai khu vực riêng biệt phục vụ cho người lớn và trẻ nhỏ nhưng chỉ vừa mở cửa được ít phút đã nườm nượp khách. Nhân viên bán vé tại bể bơi một trường đại học cho biết, chỉ tính những ngày nắng nóng đỉnh điểm gần đây thì bể bơi phục vụ hơn 600 người trong một ngày.
Một nhân viên phụ trách bể bơi ở Đống Đa cho biết, gần một tuần nay, khách đến bơi mỗi ngày một tăng. Lượng khách vào bể bơi một ngày khoảng 300-400, đông nhất là tầm 16-19h. “Bể bơi đông đi đâu cũng vậy thôi, nếu không thích thì đi chỗ khác”, nhân viên này từ chối thẳng thừng.
Người lớn trẻ em chen chúc nhau trong bể bơi (ảnh ANTĐ)
Giá tăng dịch vụ kém
Theo khảo sát, hầu hết tất cả bể bơi trong khu vực nội thành đã mở cửa hoạt động từ hơn một tháng trở lại đây. Một số bể bơi giá vé vào cửa đã tăng từ 5.000-10.000 đồng. Vé bơi người lớn dao động từ 30.000-50.000 đồng/lượt bể ngoài trời, trẻ em từ 20.000-35.000 đồng/lượt. Bể trong nhà có giá vé cao hơn so với giá bể ngoài trời, dao động từ 80.000-150.000 đồng/lượt.
Hầu hết các bể bơi này cũng bán vé tháng với giá dao động từ 700.000-1,5 triệu đồng/tháng. Các bể bơi còn tổ chức các khóa tập bơi với mức giá dao động trên 1 triệu đồng/khóa...
Bể bơi tại một số trường đại học như đại học Thủy Lợi, đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Tài chính đều là khu bể bơi phục vụ việc học thể chất của sinh viên. Nhưng trước nhu cầu lớn của người dân, các bể bơi này tăng thêm giờ mở cửa, các khung giờ bơi nhất định để vừa có thể đảm bảo việc học môn bơi theo kế hoạch đào tạo của sinh viên và phục vụ nhu cầu của người dân.
Dịch vụ cho thuê đồ bơi như kính, mũ, phao, quần áo... có giá từ 10.000 - 30.000 đồng/lượt, các quán đồ ăn nhanh tại bể cũng được dịp ăn theo.
Đông khách, phòng thay đồ, gửi đồ phòng tắm cũng quá tải. Hùng, sinh viên ĐH Thủy lợi, cho hay: “Mình bơi ở bể bơi khách sạn Kim Liên, phòng tắm bé, bẩn và thiếu nước. Trong khi đó, bể bơi không có chỗ gửi đồ, người đi bơi phải mang quần áo theo vừa bơi vừa lo giữ đồ, không để ý có thể mất ngay.” Lo ngại nhất của không ít người dân đi bơi là chất lượng nước tại các bể. “Mỗi ngày có hàng trăm người tới bơi nếu không xử lý sạch nước có thể mang bệnh vào người”, anh Hùng lo lắng.